Việc làm quen và cầm lái an toàn một chiếc xe mới sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn với những hướng dẫn trong bài viết dưới đây.
Thực tế, để làm quen một chiếc xe mới, đặc biệt là với những chiếc xe có nhiều trang bị công nghệ hiện đại, hoặc với những người lần đầu tiên cầm lái... thì sẽ mất khá nhiều thời gian. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi hướng dẫn bạn các bước căn bản nhất, sao cho đảm bảo được an toàn khi phải cầm lái một chiếc xe mới.
1. Ước lượng kích thước, tầm nhìn, chỉnh ghế lái
Việc ước lượng kích thước và tầm nhìn của xe sẽ giúp cho tài xế tránh được va quệt khi lùi xe, quay vòng hoặc rẽ trái, phải.
Hãy quan sát xe từ bên ngoài trước khi bước vào xe, sau đó ngồi vào ghế lái, chỉnh ghế sao cho vừa tầm nhìn, tầm chân đạp phanh, chân ga và tay tới vô lăng ở tư thế thoải mái nhất, đầu gối bên phải không chạm vào bất cứ bộ phận nào dưới vô lăng.
Ghế lái có 2 dạng: hoặc chỉnh cơ, hoặc chỉnh điện. Nếu là ghế chỉnh cơ thì thường sẽ có 6 hướng là tiến/lùi, nâng cao/hạ thấp, ngả/dựng lưng ghế. Ghế chỉnh điện thì trên các dòng bình dân thường sẽ có 6 hướng, xe hạng sang sẽ có từ 10 -12 hướng.
2. Thử chân ga, chân phanh
Đây là bước cực kỳ quan trọng để bạn có thể làm chủ được xe trong quá trình di chuyển. Mỗi xe sẽ có độ nhạy chân phanh và chân ga khác nhau, do đó đừng áp dụng thói quen trên xe cũ với chiếc xe mà bạn cầm lái lần đầu tiên. Đặc biệt, khi chưa biết được sức mạnh của động cơ và độ nhạy của chân ga thì không nên đạp thốc chân ga, sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Về hộp số, chúng ta sẽ không đề cập đến số sàn nữa bởi loại hộp số này đã quá quen thuộc với nhiều người. Riêng với số tự động, mỗi hãng sẽ có một cách thiết kế khác nhau, có thể là theo trục dọc P-R-N-D-S, kiểu zíc zắc hoặc kiểu vặn núm, tùy hãng. Để đảm bảo an toàn, người lái nên đạp phanh trước khi chuyển từ số P sang các số khác kết hợp với bấm shift-lock trên đầu cần số (nếu có). Tuyệt đối không dùng cả 2 chân cùng lúc, chỉ nên dùng chân phải chuyển đổi giữa bàn đạp ga và và bàn đạp phanh để tránh hiện tượng nhầm chân ga, cực kỳ nguy hiểm.
3. Chỉnh gương chiếu hậu
Chỉnh lại gương chiếu hậu 2 bên và trong xe sao cho vừa tầm mắt và không nhìn thấy mặt mình trong bất kỳ gương chiếu hậu nào của xe.
4. Làm quen với nút bấm khởi động
Nếu đây là lần đầu tiên bạn cầm lái một chiếc xe có trang bị hệ thống khởi động bằng nút bấm, để khởi động, hãy vừa nhấn nút vừa đạp phanh. Nếu chỉ nhấn nút mà không đạp phanh thì bạn mới chỉ bật hệ thống điện trên xe, tương tự như khi vặn chìa khóa cơ từ OFF sang ACC trên hệ thống khởi động bằng chìa.
5. Cách bật đèn pha – cốt
Tưởng chừng như đơn giản nhưng có không ít người lái, đặc biệt là với những “tài non” thường bỏ qua chức năng này, trong khi đây là chức năng không kém phần quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và các phương tiện khác khi cùng lưu thông trong đêm tối hoặc đường sương mù.
Để bật đèn, ta xoay núm trên cần điều khiển. Lúc này đèn thường ở chế độ chiếu gần (cos). Muốn chuyển sang chế độ chiếu xa, hãy đẩy cần về phía táp lô, để chuyển về chế độ chiếu gần thì chỉ cần kéo cần về phía vô lăng là được.
6. Làm quen bảng điều khiển
Đối với khu vực bảng điều khiển, các nút bấm trên vô lăng, khóa cửa, xi-nhan, đèn, hệ thống gạt mưa... thường có cách sử dụng tương tự trên hầu hết các dòng xe. Các chức năng hỗ trợ khác thì mỗi hãng thường sẽ có mỗi kiểu riêng.
Việc làm quen với các nút chức năng trên bảng điều khiển ở những dòng xe có nhiều công nghệ là một thách thức không hề nhỏ với những tài lạ, cần khá nhiều thời gian để tìm hiểu và ghi nhớ. Cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian là hỏi chủ xe để được hướng dẫn. Hoặc nếu không, bạn chỉ cần nắm được vị trí, cách sử dụng của các chức năng cơ bản để đảm bảo an toàn, các nhu cầu căn bản khi lái xe là được.
Bài viết tham khảo thêm: