Bệnh thường gặp của lái mới
Đèn đỏ còn 4-5 giây, đang từ từ nhả côn thì nhả quá đà, xe chết máy, phía sau còi inh ỏi, lái mới ù cả tai, cảm giác như mình đang gây ra lỗi gì nghiêm trọng lắm.
Với lái mới, bước qua cánh cửa ôtô, ngồi vào ghế lái, nắm lấy vô-lăng, dường như đã là một thế giới khác. Không còn không gian thoáng đãng như khi đi xe máy, không phải muốn quay đầu nhìn là quay được nữa.
Cũng bởi thế, lái mới cần mất một thời gian dài để làm quen, tăng “giờ bay” trước khi thành lái cứng. Thời gian này tùy khả năng của mỗi người, có thể 3 tháng, 6 tháng mà cũng có thể tới cả năm. Dưới đây là những lỗi mà lái mới hay mắc, theo những tài già có kinh nghiệm và ý kiến đóng góp thực tế của những lái mới.
1. Quên không bật gương, hạ phanh tay
Vì chưa hình thành thói quen, phần khác vì quá tập trung vào việc “làm cho xe chạy”, mà tài mới quên không thực hiện những động tác trước tiên, cơ bản khi ngồi vào ghế lái như bật gương, hạ phanh tay. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra việc này tới khi người đi đường nhắc.
Để không quên, tài mới nên học cách lưu ý tất cả những điểm này trước khi cắm chìa khóa vào ổ. Bật gương, cắm chìa khóa, vào số, hạ phanh tay rồi mới bắt đầu di chuyển.
2. Không tin tưởng vào chân côn
Vì chưa tin tưởng vào chân trái nên nhấp nhả côn chưa dứt khoát, ra vào không theo cữ. Phản xạ đầu tiên của tài mới khi gặp đám đông phía trước là đạp lút côn, mặc dù trên thực tế vẫn có thể để xe chạy thong thả một đoạn dài trước khi cần đạp côn vì dừng lại. Cũng vì chưa có cảm giác chân côn tốt, mà tất cả lái mới đều côn trước phanh sau, hoặc chạy bằng côn khi vào cua rất nguy hiểm.
Để tạo thói quen cho cân côn, tài mới nên nhấp nhả theo các mức độ khác nhau, không vội vàng đạp lút côn khi chưa cần thiết. Nếu sắp tới đèn đỏ hoặc đám đông, cứ để xe chạy, chỉ đạp côn về số khi thấy xe có hiện tượng rung rung vì trượt côn. Nhiều tài giá hay có thói quen trả về N để xe chạy theo quán tính trước khi dừng đèn đỏ.
3. Canh xe chưa tốt
Khi đi học lái, thầy giáo luôn nhắc lúc đi trên đường là chủ động canh sát vào bên trái gần dòng xe ngược chiều hoặc dải phân cách, để chừa khoảng trống an toàn cho bên phải, vì chưa có cảm giác khoảng cách ở góc phải. Nhưng khi gặp đường tắc hoặc vào ngõ nhỏ lại là ác mộng. Chuyện va quệt vào tường vì lấy cua sớm, lùi xe không canh được phía sau khá phổ biến.
Để canh xe tốt, các tài mới nên tập luyện, chọn chỗ trống, dựng những chướng ngại vật nhân tạo như hòn gạch, chiếc gậy. Sau đó, ngồi vào ghế lái, quan sát, ghi nhớ các vị trí, nhích ra xa, lại gần từng chút để quen với cảm giác chân ga và khoảng cách tới vật thể. Nên chừa khoảng cách an toàn cho phía sau, quan sát đủ các gương như khi vào cua, lùi chuồng hẹp.
4. Không xác định được phương hướng khi lùi
Hay mắc lỗi nhất là lùi xe để ghép song song vào chỗ đỗ. Chỉ cần đánh một vòng lái, xe nằm chéo theo góc vào đỗ, là tài mới đã bắt đầu loạn, vì khi nhìn qua gương không biết xe đang ở vị trí nào, còn cách tường, cách xe khác bao xa. Sẽ mất nhiều “đỏ”, thậm chí toát mồ hồi vẫn không thể đỗ, phải nhờ tới trợ giúp.
Để khắc phục lỗi này, không còn cách nào khác là phải tập luyện, sử dụng những kỹ năng chia sẻ về cách đỗ xe song song trên mạng để làm quen.
5. Ác mộng khi quay đầu trong phố hẹp
Quay đầu trong phố hẹp là ác mộng với tất cả các tài mới, đặc biệt là khi lái xe số sàn, bởi phải mất nhiều đỏ, không dám nhích chân ga, chân côn vì dòng xe cộ liên tục, sợ quá chân là đâm vào người khác, toát mồ hôi hột.
Để quay đầu tốt trong phố hẹp, tài mới nên chủ động, nhích xe từng chút một chứ không chờ đợi, bởi dòng xe cộ trong phố hẹp sẵn sàng len lỏi bất cứ khi nào có khoảng trống. Chú ý luôn quan sát các gương, không chỉ ở hướng cần tới mà cả hướng đối diện.
6. Cảm giác tội lỗi, xấu hổ khi chết máy
Người mới lái chết máy khi đường đông, đi chậm hoặc khi khởi động xe trở lại là chuyện bình thường. Nhưng với chính bản thân lái mới, đang dừng đèn đỏ, chuẩn bị đi tiếp mà bất chợt chết máy thường mất bình tĩnh, xấu hổ với người đi cùng xe, cho rằng mình đang gây ra tội lớn cản trở những xe khác phía sau.
Hãy bình tĩnh, tự tin rằng ai cũng phải trải qua giai đoạn như thế. Nếu chết máy, khởi động lại, cứ coi như chỗ không người, quan sát các hướng, từ từ cho xe di chuyển, an toàn mới là điều quan trọng nhất, đừng vội vàng để khiến xe phải chồm lên, đâm vào xe khác.
7. Nhầm chân ga chân phanh
Trong những tình huống bất ngờ, thay vì đạp chân phanh, tài xế lại đạp chân ga. Thậm chí nhiều tài xế đang trong tình huống bình thường, chạy chậm để dừng lại, nhưng vẫn đạp nhầm chân.
Để không nhầm, nên học thói quen để chân chữ V, giữ gót chân nghiêng về bên chân phanh, chỉ xoay gót để dùng mũi nhích chân ga. Bất cứ khi nào không ga, phải chuyển ngay sang đặt hờ ở chân phanh, khi đó nếu có bất ngờ thì phản xạ cũng là đạp thẳng, không bị nhầm.
8. Hay nhìn đồng hồ khi đi cao tốc
Bảng đồng hồ phía trước mặt vẫn chưa thực sự quen thuộc với tài mới, chỉ cần có một vài dấu hiệu lạ bật sáng, cũng khiến tài mới chú tâm quan sát. Đặc biệt, khi đi trên đường cao tốc, do chưa quen cảm giác tốc độ và chân ga, nên thường xuyên liếc mắt nhìn đồng hồ, sợ vượt quá tốc độ.
Để hạn chế việc này, lái mới nên chạy ở làn trong với tốc độ dưới khoảng 10 km/h so với tốc độ giới hạn tối đa, như thế sẽ yên tâm, không sợ quá chân, tập trung quan sát đường thay vì phân tâm vào bảng đồng hồ